» » » Chè "ngoại" tại Hà Nội

Mùa nắng nóng chính là thời điểm các quán chè “lên ngôi”, và dân sành ăn dĩ nhiên không thể bỏ qua những món chè ngoại thịnh hành ở Hà Nội hiện nay như chè Thái, Singapore, Malaysia, Hong Kong.

1. Chè Thái Lan phố Kim Mã

Chè Thái Lan chắc hẳn là loại chè ngoại phổ biến nhất. Tiệm nổi tiếng thì có quán chè phố Đội Cấn hay trong chợ Nam Đồng. Tuy nhiên, nhiều khách sành ăn cho rằng, nơi “ra dáng” xứ Chùa Vàng nhất phải là ở phố Kim Mã.


Đến nơi này, bạn sẽ thấy trong chiếc tủ kính của quán, các bát to bát nhỏ đựng chè đều là loại bằng bạc, sáng bóng, đẹp mắt, rất đúng kiểu Thái Lan. Không gian quán đơn giản nhưng thi thoảng cũng khoe một vài đồ vật lưu niệm trang trí của Thái để chứng tỏ độ "chất”.


Chè tại đây cũng có điểm khác biệt. “Món xanh” dai dai chứ không mềm bở như mọi nơi, còn “món trắng” thì dẻo và hình con sâu lạ mắt. Ngoài ra, mỗi cốc chè đều có đậu xanh và dừa xào thái miếng giòn ngọt, ăn sần sật rất thích.

Chè Thái “xịn” nhưng mức giá cũng khá "mềm" – 15.000 đồng/cốc. Lưu ý là chè của quán này chế biến ngọt hơn các nơi khác, bạn nên xin nhiều đá ăn càng mát.


Ngoài ra ở đây còn có kem xôi cũng đắt hàng không kém với cùng mức giá.


Địa chỉ: A5 P.118 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội (nằm ở ngã rẽ giao giữa phố Trần Huy Liệu và Kim Mã).

2. Chè Singapore phố Cửa Bắc và Tô Hiến Thành

Nhắc đến chè Singapore, các bạn trẻ sẽ nhớ ngay đến món chè bobochacha ở trong một ngõ nhỏ phố Cửa Bắc, gần trường Phan Đình Phùng.

Quán này mở từ hàng chục năm nay, chỉ bán từ tầm 3g chiều đến 7g tối. Tại đây có 3 món với cái tên ngắn gọn: đen, trắng và hoa quả. "Đen" là loại chè hơi đặc, sánh, được nấu bằng gạo nếp cẩm, quyện với nước cốt dừa cô đặc. "Trắng" thì có sự kết hợp của sắn, khoai lang bùi bùi cùng với thạch trắng mềm và những hạt trân châu li ti, hòa chung cùng nước cốt dừa loãng.


Cuối cùng là "hoa quả" – món “hot” nhất, gồm các loại quả xắt nhỏ rồi trộn chung với một thứ nước ngọt, dìu dịu nhưng rất khó phán đoán được cách pha chế. Hoa quả thường bán hết sớm nhất, nên nếu đến muộn, sau 4g chiều bạn sẽ không kịp thưởng thức.


Mức giá khoảng 15.000 đồng/bát, chè bobochacha ở đây hơi “hẻo” so với nhiều món chè khác. Ngoài ra, cả 3 loại chè đều chế biến hơi nhạt và mát sẵn, không cần bỏ thêm đá. Bởi vậy, nếu là người “hảo ngọt”, chưa chắc bạn đã “ưng” loại chè này. Nếu vậy, bạn có thể tìm đến môt địa chỉ chè cũng treo biển Singapore nhưng phong cách hoàn toàn khác nằm trên phố Tô Hiến Thành.


Quán chè này tên là Bun, mới có ở Hà Nội khoảng gần 1 năm nhưng đã khá hút khách, buổi tối rất đông, thậm chí những ngày oi nóng thế này, khách còn phải đứng xếp hàng.


Chè Singapore ở đây có vài loại nhưng đặc điểm chung là thiên về hoa quả với vị ngọt đậm. Mỗi bát chè đều có các loại quả xắt miếng như lê, xoài, dưa hấu, dưa vàng… kết hợp cùng các thạch, sirô, sữa đặc, sữa dừa, hạt é, có món còn thêm cả sợi rong biển giòn giòn hoặc loại trân châu nhân mã thầy. Phong phú nên giá cũng cao hơn – 20.000 đồng/bát.


Tuy nhiên, để đánh giá chè Sing ở tiệm Bun là ngon xuất sắc hay rất lạ miệng thì không hẳn. Có lẽ quán nhanh hút khách vì ở đây bán thêm rất nhiều đồ giải nhiệt đang "hot" nữa như sữa chua mít, caramen thập cẩm hay chè khúc bạch. Các món đều khá đầy đặn, chế biến vừa miệng nên dễ được lòng thực khách.

... có cả rau câu giòn giòn.

3. Chè Malaysia phố Tô Hiến Thành

Mang tên chè Bà Tuyết, quán nằm ngay gần chè Bun và thực chất ra đời trước nhưng đến nay lại không đắt hàng bằng. Tuy nhiên, treo biển chè Malaysia nên cũng làm nhiều người đi đường hiếu kỳ.

Một số khách ruột cho biết, chủ quán vốn là "dân" phượt, từng đi nhiều nơi, trong lần đến Malaysia đã thích thú với loại chè của đất nước này nên đã du nhập về. Chủ quán cũng từng quảng cáo, chè được nấu từ các loại đỗ của Việt Nam và hạt thuốc bắc mang hương vị Malaysia, khiến cho món có hương vị riêng không thể nhầm lẫn.



Chè Malaysia của quán Bà Tuyết.

Song, không ít người thưởng thức chè ở đây lại cho rằng, họ khó nhận ra sự khác biệt thú vị nào, hương vị dễ chịu nhưng cũng chỉ na ná những loại chè có trân châu, cốt dừa, dừa khô của Sài Gòn. Ngoài ra, quán vỉa hè mà nom rất tuềnh toàng, trong tủ kính lèo tèo vài chiếc bát thủy tinh đựng đồ, không hình ảnh màu mè, tô vẽ, không cả bàn cho khách ngồi, chỉ sắm vài chiếc ghế nhựa đơn giản. Thế nên dường như chè Bà Tuyết kém hút khách và bị chè Bun kế bên lấn át.


Còn đây là chè Malaysia của quán Bún "copy" lại, nom cũng khá giống nhau.

Tuy nhiên, với mức giá phổ biến 15.000 đồng/cốc, món chè này cũng đủ vị ngon ngọt mát nên nếu đang phải cơn thèm và tiện đường qua đây, bạn cũng có thể thử một lần thưởng thức.
Địa chỉ: 55 Tô Hiến Thành, Hà Nội.

4. Chè Hong kong khu Trung Tự

Đây là tiệm chè mới nhất nằm trong danh sách này, mới mở chừng 1-2 tháng nay. Quán tự xưng danh chè Hong Kong và có khá nhiều món lạ mắt, hấp dẫn. Điển hình như chè rau câu caramen với những viên thạch rau câu hình trái tim, bông hoa, ngôi sao xinh xắn, bên trong là nhân caramen ngọt mềm. Hay chè cầu vồng có các loại trân châu xanh đỏ có nhân đậu xanh, chuối, nho khô và cũng được tạo hình đẹp mắt... Ngoài ra là những cái tên rất thú vị như bạch ngọc rau câu, chè ngũ sắc, tào phớ sữa dừa...



Các món chè ở đây đa phần đều lạ miệng, mang vị ngọt thanh, nước cốt dừa chế biến thơm, dễ chịu. Một ưu điểm nữa là quán nằm trong phần sân của một khu tập thể, lại núp bóng dưới mấy tán cây bằng lăng um tùm nên khách ngồi rất mát mẻ, dễ chịu.




Chè của quán này đồng giá 15.000 đồng/món.




Địa chỉ: 104B1 Khu tập thể Trung Tự, Hà Nội (vào ngõ 46B Phạm Ngọc Thạch rẽ phải).




About Thu Hà

Với tốc độ phát triển dân số hiện nay, thị trường bách hóa vẫn là một thị trường nhiều tiềm năng với nhu cầu mạnh mẽ. Các cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, các siêu thị… liên tục mọc lên. “Bách hóa online – Nơi hội tụ, cung cấp thông tin hữu ích khi bạn cần”.
«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply