Vào lúc 15 giờ, ngày 1/8/ 2012, tại Faridabad, Ấn Độ - Tổ chức Kỷ Lục Châu Á đã chính thức công nhận 10 món đặc sản nổi tiếng của Việt Nam là món ngon kỷ lục châu Á. Lần đầu tiên, Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố bộ "Tiêu chí Giá trị ẩm thực châu Á". Việt Nam vinh dự được xác lập 10 món ăn theo tiêu chí này.
Theo dự kiến, họ sẽ sang Việt Nam và trực tiếp trao 10 bộ xác lập món ăn Việt Nam cho lãnh đạo địa phương đang sở hữu các món ăn này vào dịp hội ngộ "Kỷ lục Việt Nam" khoảng tháng 9/2012 tại TP.HCM.
Dưới đây là danh sách 10 món ăn Việt được xác lập Giá trị ẩm thực châu Á:
1. Phở Hà Nội. Đơn vị sở hữu: TP Hà Nội
Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là một trong những món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Ở Hà Nội, phở là một món ăn đặc biệt của người Hà Nội không biết đã có từ bao giờ. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Phở thông thường dùng làm món ăn điểm tâm, hoặc ăn tối.
2. Bún chả Hà Nội. Đơn vị sở hữu: TP Hà Nội
Cũng giống như phở, bún chả cũng là một đặc sản của Hà Nội. Bún chả thường có có cùng một lúc hai loại chả: Chả viên và chả miếng. Chả viên được làm từ thịt nạc vai lợn băm thật nhuyễn nặn viên, ướp trộn với muối, tiêu, nước mắm trên 35 độ đạm,đường, hành khô băm thật nhuyễn, dầu thực vật hoặc mỡ nước. Còn chả miếng thường dùng thịt ba chỉ (ba rọi) thái mỏng ướp gia vị tương tự chả viên và nướng vàng trên than củi. Thịt miếng thường được lọc bỏ bì (da) để khi nướng không bị cứng và khét. Ngày nay, bún trong bún chả là bún rối. Nhưng bún con (từng vắt bún nhỏ cuộn chặt, vừa một lần gắp) mới là nguyên liệu truyền thống.
Tuy không phổ biến như nhiều loại bún, miến, phở khác ở Hà Nội nhưng càng ngày bún thang càng trở thành món ăn sáng được nhiều người yêu thích.
Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang. Rau răm, mùi tàu, trứng gà ráng mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ. Trên rắc tôm bông và rải vài lát lạp xưởng. Nước dùng phải là loại nước trong, nóng chan vừa bát.
Ăn bún thang kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm. Để có nồi nước dùng ngon cũng là một sự tổng hợp có chọn lọc từ xương gà và một con mực khô (để ngọt nước). Nguyên liệu đặc biệt của món bún này chính là tinh dầu cà cuống, nếu thiếu nó thì món ăn sẽ mất ngon. Một bát bún thang đầy đủ sẽ không thể thiếu củ cải ngâm, hay còn được biết dưới cái tên gốc Tàu là ca-la-thầu.
4. Bánh đa cua Hải Phòng. Đơn vị sở hữu: TP Hải Phòng
Thành phần chính của món này là cua đồng, bánh đa đỏ, nước dùng cùng các loại rau ăn kèm. Nguyên liệu, gia vị nấu nước riêu cua gồm xương ống lợn, tôm nõn, me, bột nêm, muối, dầu ăn, mắm tôm, tỏi khô, hành khô, cà chua, hành phi. Một số nơi còn gia thêm vài tai nấm hương. Ăn kèm cùng món này là mắm tôm, ớt chưng, ớt ngâm dấm, rau sống các loại, chanh, quất. Tùy khẩu vị mỗi người có thể ăn cùng chả lá lốt, trứng, thịt chân giò, giò tai,...
5. Cơm cháy Ninh Bình. Đơn vị sở hữu: tỉnh Ninh Bình
Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món đặc sản của Ninh Bình nổi tiếng khắp cả nước. Món ăn này bao gồm cơm cháy, thịt dê, bò hoặc tim, cật lợn xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua.
6. Miến lươn Nghệ An. Đơn vị sở hữu: tỉnh Nghệ An
Nếu cháo lươn là đặc sản của thành phố Vinh thì miến lươn lại là món ngon nổi tiếng của xứ Nghệ. Miến lươn được nấu từ miến với thịt lươn, và trong thực tế thường có hai dạng: miên lươn khô và miến lươn nước. Rau, gia vị thường dùng kèm với món này là giá đỗ, mộc nhĩ, hành hoa, rau răm, hạt tiêu, ớt chưng, dấm v.v.
7. Phở khô Gia Lai. Đơn vị sở hữu: tỉnh Gia Lai
Phở khô Gia Lai được xem là "món ăn không thể thiếu" trong văn hóa ẩm thực của người Gia Lai. Món ăn là sự kết hợp của thịt heo và thịt bò trong cùng một món ăn. Phở được dọn lên cùng với chén nước dùng, các loại qua, tương xay và sa tế.
8. Bánh khọt Vũng Tàu. Đơn vị sở hữu: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bánh khọt là một trong những món đặc sản cũng đất Vũng Tàu. Nguyên liệu chính làm nên món bánh nổi tiếng này chính là bột gạo pha nước cốt dừa cùng các gia vị khác. Khác với bánh xèo, bánh khọt được đổ vào những chiếc khuôn nhỏ sao cho thật đều tay để bánh giòn và ngon. Bánh được ăn kèm với rau sống và nước mắm.
9. Gỏi cuốn Sài Gòn. Đơn vị sở hữu: TP.HCM
Gỏi cuốn là món ăn dân dã, quen thuộc đối với người dân Sài Gòn. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi nơi, từ những gánh hàng rong cho đến những nhà hàng sang trọng. Dù là ở đâu thì một cuốn gỏi cuốn đều được gói từ một chiếc bánh tráng mỏng, bên trong là tôm, thịt, bún, rau thơm, giá đỗ và hẹ. Món này ăn ngon nhất với tương hột pha với ớt và đậu phộng thêm một tí đồ chua. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chấm với nước mắm pha.
10. Cơm tấm Sài Gòn. Đơn vị sở hữu: TPHCM
Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, đồng thời là món điểm tâm sáng yêu thích của nhiều người dân Sài Gòn. Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, hay còn gọi là hạt gạo bể. Thức ăn kèm với món này rất đa dạng, từ sường chả cho đến trứng chiên, trứng chưng. Nước mắm ăn chung phải là nước mắm ngọt, tuy nhiên cũng tuy người ăn mà có thể pha thêm tí chanh hay tí nước mắm.
Không có nhận xét nào: