Hà Nội xưa gọi là Kẻ Chợ, có nghĩa là vào thời đó Hà Nội – chính tên là Thăng Long – là nới hội tụ các ngành nghề, là nơi họp chợ, đáp ứng nhu cầu của Kinh đô là thị trường to nhất nước ta ngày ấy. Mà chợ Thăng Long thì bao gồm một mạng lưới thương nghiệp lớn nhỏ rải rác khắp đô thành. Mật độ chợ dày đặc nhất là chốn mà nay ta gọi “khu phố cổ”. Chợ ở Hà Nội cổ đã xuất hiện từ rất sớm. Năm 1035, Vua nhà Lý “mở chợ Tây nhai với hành lang dài” (ở vào quãng chợ Ngọc Hà). Cùng thời gian này, “Vua Thái Tông cho mở chợ về Cửa Đông (quãng phố Hàng Buồm ngày nay), hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo”.
Trong thế kỷ XVII – XVIII, mạng lưới chợ ở Thăng Long đã phát triển mạnh mẽ. Vì là nơi đô hội, tụ tập đông người, có nhiều phố xá nên mật độ các chợ ở đây giầy đặc hơn ở các nơi khác, nhất là tại khu 36 phố phường buôn bán tập trung. Riêng các chợ lớn ở Thăng Long có nộp thứ da trâu, Phan Huy Chú đã kể ra 8 chợ. Đó là các “chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước”. Đến thế kỷ XIX, Đại Nam thống nhất chỉ ghi thêm các chợ Mới (quãng phố Hàng Chiếu), chợ Đông Thành (quãng phố Hàng Vải – hàng Gà), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Yên Thái (Bưởi).
Địa điểm họp chợ - cũng như ở các địa phương khác, các chợ ở Thăng Long – Hà Nội thường được lập nên ở những nơi công cộng, thuận tiện cho việc giao thông đi lại, trao đổi buôn bán, nhìn chung chợ thường được họp ở các cửa ô, cửa thành và bờ sông, bờ kênh.
Cửa ô là nơi dân chúng thuộc các làng xã phụ cận mang hàng hóa vào Kinh thành trao đổi với khối dân chúng nội thị.
Cửa thành là nơi ra vào, trao đổi thường xuyên giữa khối quan liêu – quân sĩ trong hoàng thành và khối bình dân ngoài phố xá. Hàng ngày, các gia nhân, nha lại của vua quan đã ra ngoài thành mua sắm một khối lượng lớn các thức ăn, vật phẩm cần thiêt. Vì thế chính ở cạnh các của thành, đã sớm xuất hiện các khu chợ đông đúc, sầm uất. Chợ Cửa thành xưa nhất của Thăng Long có khả năng là chợ Cửa Tây, thành lập từ đời Lý. Chợ Cửa Đông cũng là một chợ cổ và sầm uất, vì cửa Đông Môn (thời Lý Trần là của Đông Hoa) trực tiếp ăn thông ra khu vực buôn bán của Kinh thành (ở vào quãng Hàng Đường – Hàng Buồm bấy giờ). Thời nhà Nguyễn, Hàng Vải, Hàng Gà có chợ bán thực phẩm có tên là Hàng Gà. Chợ Cửa Nam là một chợ lớn của Thăng Long – Hà Nội, vì Cửa Nam (thời Lê là Cửa Đại Hưng) là nơi ra vào chính của vua chúa, quan lại và “tất cả những ai có việc phải đi đến Hoàng Thành”.
Hai bên bờ sông Tô Lịch cũng là nơi họp chợ đông đúc, buôn bán tấp nập. Các chợ mọc lên hai bên bờ sông Tô, một số là chợ đặc sản, như các chợ Gạo (đầu cửa sông Tô), chợ Hàng Cá. Chợ cầu Đông (quãng ngã tư Hàng Đường – Chợ Gạo ngày nay) là một chợ bên bờ sông Tô, nổi tiếng của kinh thành, đã đi vào nhiều câu ca dao. Chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông) liên sát đó (quãng phố Hàng Buồm ngày nay), họp sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền, hoạt động buôn bán rất tấp nập, đặc biệt là các phú thương Hoa Kiều.
Phạm Đình Hổ nhớ lại quang cảnh chợ phiên Bạch Mã cuối thế kỷ XVIII: “… Là một chợ buôn bán tấp nập huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm chợ ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc quần áo người ta hoặc khuân đồ vật hàng hóa”.
Ngoài những nơi kể trên (cửa ô, cửa thành, bờ sông) còn phải kể đến một số lượng lớn các chợ lưu động, không tên của Thăng Long – Hà Nội, ở đó những người buôn bán rong, vặt vãnh, đã dọc theo các đường phố, những ngã ba, ngã tư, những khoảng đất trống, tóm lại là ở tất cả mọi nơi có người qua lại, ngồi bán hàng không cần hàng quán. Đây là cảnh một chợ loại đó và những năm 80 của thế kỷ XIX: “Việc thành lập một cái chợ không tốn kém gì cả, mà chỉ cần đến thời tiết tốt. Người nông dân ngồi ngay xuống đất, trên đường phố, hàng hóa để trong một vuông vải hay trong một cái làn, thậm trí trên đất bụi, nếu như họ không sợ làm hư hỏng loại hàng đó”.
Ngoài những nơi kể trên (cửa ô, cửa thành, bờ sông) còn phải kể đến một số lượng lớn các chợ lưu động, không tên của Thăng Long – Hà Nội, ở đó những người buôn bán rong, vặt vãnh, đã dọc theo các đường phố, những ngã ba, ngã tư, những khoảng đất trống, tóm lại là ở tất cả mọi nơi có người qua lại, ngồi bán hàng không cần hàng quán. Đây là cảnh một chợ loại đó và những năm 80 của thế kỷ XIX: “Việc thành lập một cái chợ không tốn kém gì cả, mà chỉ cần đến thời tiết tốt. Người nông dân ngồi ngay xuống đất, trên đường phố, hàng hóa để trong một vuông vải hay trong một cái làn, thậm trí trên đất bụi, nếu như họ không sợ làm hư hỏng loại hàng đó”.
Thời gian họp chợ: ở Thăng Long, việc chợ họp theo chu kỳ có lẽ đã có từ lâu lắm. Trần Cương Trung (sứ Trung Quốc sang Việt Nam đời Trần) đã có nhận xét là: “chợ cứ 2 ngày họp một lần”.
Tuy nhiên, khi xét cụ thể về thời gian họp chợ ở Thăng Long – Hà Nội thì các ý kiến không thống nhất. Dampier cho rằng: “Ở Kẻ Chợ, chợ họp trong tất cả mọi ngày”. Trong khi đó A.Rhodes, Baron, và Marini lại chép là “chợ ở Kẻ Chợ mỗi tháng có 2 phiên” (ngày rằm và mùng một). Còn Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút thì cho rằng ở Kinh kỳ “phiên chợ là các ngày 1, 6, 11, 14, 15, 21, 26, 30” (một tháng 8 phiên).
Các mặt hàng buôn bán: chợ ở Thăng Long – Hà Nội là một loại chợ lớn trong toàn quốc, cho nên số lượng các mặt hàng buôn bán cũng rất lớn và phong phú. Hầu như tất cả mặt hàng trong và ngoài nước đều bầy bán ở đây.
Hàng nông sản: Do vị trí thuận lợi, đầu mối của các trục giao thông thủy bộ, do mật độ dân cư đông đảo và sự có mặt thường trực của một bộ máy hành chính – quân sự to lớn với những nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của nó, một khối lợn nông sản khổng lồ từ các địa phương lân cận đã đổ về các chợ ở Thăng Long – Hà Nội để rồi được bán buôn bán lẻ trực tiếp cho người tiêu thụ. Đó là gạo, nông hải sản, thực phẩm, rau quả…
Hàng thủ công nghiệp: So với các mặt hàng nông sản thì hàng thủ công nghiệp không chỉ bầy bán tại các chợ mà còn bán nhiều tại các phố dành riêng cho từng mặt hàng, như các phố Hàng Đào bán tơ lụa, Hàng Ngang bán xiêm áo, Hàng Bạc bán đồ trang sức, kim hoàn, Hàng Đồng bán đồ đồng, phó Hài Tượng bán giầy dép, phố Bát Sứ bán đồ sứ… Tuy nhiên, đối với quảng đại quần chúng bình dân và nhất là đối với những người nông dân các vùng phụ cận kéo về Kẻ Chợ - Hà Nội trong các ngày phiên chợ thì họ vẫn thích mua trực tiếp các loại hàng đó ở ngay tại chợ, nó tiện lợi và cũng có thể giá rẻ hơn. Trước hết đó là các dụng cụ hàng ngày của người nông dân như cầy cuốc, nồi niêu bát đĩa, các loại hàng vải vóc thông dụng mà quần chúng gọi là hàng tấm, các loại thuốc men cần dùng. Một số chợ buôn bán tập trung các mặt hàng đặc sản như chợ Hàng Tơ ở Hàng Đào buôn bán tơ lụa, chợ Bưởi chuyên bán các loại giấy sản xuất ở Yên Thái, Hồ Khẩu.
Phương thức mua bán: ở Việt Nam trung đại, từ lâu chợ vẫn là một nơi trao đổi tiếp xúc toàn diện giữa các cộng đồng người của các vùng lân cận, về các mặt kinh tế, văn hóa, lối sống và thông tin đại chúng. Ở Thăng Long – Hà Nội, chợ không những là một nơi trao đổi và tiếp xúc giữa các tầng lớp người trong phạm vi nội bộ đô thị và chủ yếu là một trung tâm trao đổi tiếp xúc giữa Kẻ Chợ và các vùng phụ cận. Nó là một sự đối ngoại thường trực, toàn diện giữa thành thị và nông thôn.
Nông dân các vùng phụ cận mang sản vật nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp của mình vào bán tại các chợ, rồi dùng tiền đó mua sắm một ít các vật dụng cần thiết cho công việc sản xuất vào đời sống hàng ngày. Ở chợ Thăng Long – Hà Nội còn có một loại người buôn bán chuyên nghiệp, bán hàng trong các lều quán dựng sẵn, nhưng phần lớn cũng chỉ là những người buôn bán nhỏ hoặc trung bình.
Đa số những người đi chợ mua bán tại các chợ ở Thăng Long – Hà Nội là giới phụ nữa. Các lái buôn và giáo sĩ phương Tây khi đến Việt Nam đều nhận xét là phụ nữ Việt nam nói chung và phụ nữ Kẻ Chợ nói riêng đã có một “năng khiếu đặc biệt” về buôn bán. Marini đến Kẻ Chợ có nhận xét là: “những người phụ nữ ở đây mải mê với thương mại và họ không ngừng bận rộn về việc bán, mua”. Du khách Trung Quốc Phan Đỉnh Khuê đến Kẻ Chợ năm 1688 thì cho là “việc buôn bán ở Kẻ Chợ bao giờ cũng do giới phụ nữ đảm nhiệm”. Cuối thế kỷ XIX, Dumoutier quan sát tỉ mỉ hơn những phiên chợ ở Hà Nội, thấy là “cứ trong 100 người đi chợ, người ta đếm được 84 người đàn bà con gái”.
Đến thời Pháp thuộc, các chợ vẫn được duy trì, xây dựng cầu chợ hẳn hoi, để gom các chợ nhỏ vào thành một chợ lớn. Như chợ Đồng Xuân làm năm 1896 là gồm các chợ Bạch Mã, chợ Cầu Đông. Chợ Hàng Da và là gom các chợ Hàng Gà, chợ Đông Thành Thị. Chợ Mơ là gom các chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền) chợ Trung Hiện, Chợ Cửa Nam là gom các chợ Cửa Nam, Đình Ngang, Ong Nước… cũng thời này có thêm loại chợ Đuổi. Số là các chợ lớn cứ sẩm tối, là Khán chợ đuổi hết người ra khỏi khuôn việc chợ để khóa cổng. Những người bị đuổi này liền tụ tập ở gần đó. Vả lại dân nghèo cũng nhiều người lúc ấy mới đi làm về, cũng tìm tới chợ Đuổi để mua hàng. Ban đầu họ họp ở đầu Chợ Đuổi (tức phố Tuệ Tĩnh nay) sau do thành phố mở mang, lính cấm dồn chợ về chỗ ngoại ô Vân Hồ. Ngày nay các chợ cũ vẫn hoạt động, xong dân chúng muốn mua bán thuận tiện nên sinh ra các thứ chợ cóc bên vỉa hè, họp chớp nhoáng và buổi tan tầm (có nơi chợ cóc mà họp cả ngày). Chúng tôi cho rằng sự tồn tại chợ cóc là một hình ảnh không văn minh, mang tính tiểu nông manh mún. Song giải quyết không dễ, vì những người bán hàng ở đây đại bộ phận là dân nghèo ngoại ô, triệt để phá chợ cóc thì ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của họ (thực tế là thành phố đã nhiều phen dẹp chợ cóc song chỉ độ 1, 2 ngày đâu lại hoàn đấy). Lại thêm thời gian của người mua, đa số là công nhân viên, đi làm về, sà vào vỉa hè mua mớ rau, con cá cũng rất tiện, đỡ phải gửi xe lích kích, tốn tiền. Cách ngôn Pháp có câu: La civilisation se voit sur la route (văn minh thể hiện trên đường phố) thì rõ Hà Nội chưa văn minh. Đó là một vấn nạn.
Tôi còn một ý nghĩ nữa về việc cải tạo nâng cao tầng các chợ như Cửa Nam, Hàng Da. Quãng chợ toàn là đường hẹp, phố phường đông đúc quá rồi. Nay các chợ đó thành văn phòng, siêu thị, xe cộ ra vào rầm rập suốt ngày thì ở ngã tư Nguyễn Khuyến – Lê Duẩn – Hai Bà Trưng – Cửa Nam sự đi lại sẽ ra sao? Cả ngã tư Nguyễn Quang Bích – Đường Thành – Hàng Da cũng ăm ắp ô tô ra vào siêu thị văn phòng và cả vào chợ Hàng Da mới thì giao thông sẽ ra sao? Tôi chưa hình dung nổi.
Không có nhận xét nào: